Thủ tục đăng ký kinh doanh quán cà phê

Kinh doanh quán cafe là một ý tưởng không hề tồi và thị trường này thực sự là miếng bánh béo bở nhưng bạn phải nắm rõ về việc kinh doanh và những pháp lý về kinh doanh.

Có những người ảo tưởng rằng đi học pha chế xong thì có thể mở quán cafe, bê nguyên công thức mình học được vào menu hoặc vung tiền ra cho người ta nhượng quyền thương hiệu rồi rung đùi đợi lợi nhuận. Kinh doanh cafe đâu có đơn giản như vậy…

Mở quán cafe bạn cũng cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật đó là thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Việc thực hiện đăng ký kinh doanh cho quán cafe là hoạt động giúp bạn có thể hoạt động hợp pháp và hạn chế những rủi ro liên quan đến pháp lý. Dưới đây tôi xin chia sẻ một số thủ tục cần thiết khi mở quán kinh doanh cafe.

1. Hình thức kinh doanh của quán cafe

Quán của bạn được hoạt động kinh doanh khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đối với cửa hàng, dịch vụ ăn uống, việc bạn cần nắm rõ đó là mô hình kinh doanh của mình.

Có 3 loại hình kinh doanh:

– Doanh nghiệp: phù hợp với hoạt động kinh doanh lớn hoặc trung bình.

– Hộ kinh doanh: phù hợp với hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ.

– Cá nhân kinh doanh: phù hợp với hoạt động kinh doanh rất nhỏ.

Xem xét và đối chiếu với Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì mô hình quán cafe phù hợp với hình thức Hộ kinh doanh do đó chúng ta cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh cho Hộ kinh doanh.

2. Thủ tục đăng ký kinh doanh

Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh

– Bản sao hợp lệ CMND, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.

– Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Trình tự thực hiện đăng ký

Bước 1: Gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đặt địa điểm với các thông tin cơ bản của mình và nộp lệ phí đăng ký.

Bước 2: Chờ cơ quan có thẩm quyền xét duyệt

Bước 3: Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

Ngoài ra, nếu sau 03 ngày làm việc người đăng ký kinh doanh không nhận được giấy đăng ký kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì người đăng ký kinh doanh đó có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Với mô hình dịch vụ ăn uống thì cần có thêm một thủ tục bắt buộc nữa đó là xin Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là giấy phép con cần có.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Hồ sơ xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP)

– Đơn đề nghị cấp giấy theo mẫu

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng)

– Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất đủ điều kiện ATVSTP

– Bản cam kết đảm bảo ATVSTP đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh

– Chứng nhận sức khỏe của người trực tiếp sản xuất kinh doanh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp

– Chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn về ATVSTP cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.

3. Các loại thuế phải nộp

Căn cứ Điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC, các loại thuế mà cơ sở kinh doanh phải nộp bao gồm:

– Thuế môn bài theo năm: dựa trên thu nhập một tháng. Mức thấp nhất là 50.000đ

– Thuế GTGT: bằng doanh thu tính thuế GTGT * Tỷ lệ thuế GTGT

– Thuế thu nhập doanh nghiệp(TNDN): bằng doanh thu tính thuế TNDN * Tỷ lệ thuế TNDN.

Nếu quán của bạn có doanh thu trên 100 triệu đồng/ năm thì bạn phải nộp đầy đủ cả 03 loại thuế trên. Đối với trường hợp doanh thu dưới 100 triệu đồng/ năm tì chỉ phải nộp thuế môn bài theo từng năm.

Trên đây là những kinh nghiệm tôi tổng hợp được hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Chúc các bạn thành công!

Kim Ân

Facebook Comments