7 tips cân đối chi tiêu cho sinh viên để không bị “cháy túi” bạn đã biết chưa?

Bước vào đời sống sinh viên với nhiều người cũng có nghĩa là lần đầu sống xa nhà, phải tự lập và cũng là lần đầu tự quản lý chi tiêu cá nhân. Điều này khiến nhiều bạn trẻ gặp bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm, rơi vào tình trạng cháy túi thường xuyên. Tuy nhiên, điều này có thể cải thiện nhờ những tips đơn giản và dễ áp dụng sau đây.

Lập bảng chi tiêu một cách chi tiết

Điều này nghe có vẻ to tát và kỳ cục, bởi sinh viên thì có bao nhiêu tiền đâu mà phải lên kế hoạch thu chi. Trên thực tế, quản lý tài chính cá nhân là việc của mỗi người, và với những sinh viên không có nhiều thu nhập thì lại càng phải tính toán kỹ càng.

Hãy lập hai bảng, một bên là thu nhập của bạn (có thể đến từ các khoản bố mẹ chu cấp, tiền thưởng học bổng, tiền làm thêm…), bên còn lại là các khoản bắt buộc phải chi tiêu (tiền sinh hoạt phí như tiền ăn, tiền trọ, tiền xăng, vé xe bus, tiền tài liệu học tập, tiền học phí…).

cân đối chi tiêu

Hãy tính toán càng cụ thể và chi tiết càng tốt, để biết rằng bạn thực có bao nhiêu, cần tối thiểu bao nhiêu, thiếu bao nhiêu. Cách tính toán này sẽ giúp bạn giới hạn số tiền mình có thể tiêu để không vung tay quá trán, hoặc lên kế hoạch làm thêm sao cho đáp ứng nhu cầu tối thiểu và vui chơi giải trí, giải tỏa căng thẳng.

Tiết kiệm tiền thuê nhà

Với một sinh viên, số tiền bỏ ra để thuê nhà trọ là con số không hề nhỏ, thậm chí có thể chiếm đến 1/3 số tiền chi tiêu hàng tháng. Để tiết kiệm khoản chi này, bạn có thể xin ở ký túc xá, thuê phòng với diện tích vừa phải (bởi thực tế thời gian bạn ở nhà trọ, phòng trọ không nhiều mà chủ yếu là đi học, đi làm).

Một bí quyết khi tìm phòng trọ là hãy nhờ bạn bè, người quen của bạn liên hệ giúp với chủ phòng trọ mà không phải qua các bên trung gian tìm phòng giúp. Nhiều tân sinh viên phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực rất nhiều bởi tiền phòng mà họ trả đã bao gồm cả tiền hoa hồng hàng tháng cho những bên môi giới nhà trọ.

Dành thời gian cân nhắc khi mua bất cứ thứ gì

Nhiều tân sinh viên tá hỏa, bởi số tiền bố mẹ cho để chi tiêu trong một tháng bỗng nhiên bay biến chỉ sau một tuần hay vài ngày. Khi nhìn lại, rất có thể họ sẽ tự hỏi: “Mình có tiêu gì đâu nhỉ mà sao nhanh hết tiền vậy?”. Thực tế, số tiền đó không tự nhiên mất đi mà là do chính bạn đã tiêu xài lãng phí mà chẳng đem lại lợi ích gì.

Việc đi học xa nhà cũng giúp nhiều sinh viên lần đầu tiên được cầm trong tay một số tiền lớn hơn, được toàn quyền quyết định chi tiêu cá nhân của mình. Điều này rất dễ sinh ra cảm giác mình có nhiều tiền, và cái gì cũng muốn mua, dẫn đến tình trạng xách về nhà bao nhiêu món không thực sự cần thiết.

Trước khi mua một món đồ, hãy dừng lại 1 phút để tự hỏi liệu mình có thực sự cần món đồ này hay không, nó mang lại giá trị gì cho mình, với số tiền để mua món đồ này, mình có thể làm gì khác hữu ích hơn không… Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hạn chế được đáng kể tình trạng mua sắm vô tội vạ và tiết kiệm tiền cho những khoản chi quan trọng hơn.

Đừng để phải đóng học phí học lại

Đừng nghe những câu kiểu như “Sinh viên phải rớt môn một lần” bởi nó thực sự khiến bạn phải tốn tiền một cách lãng phí. Hãy học tập chăm chỉ để đạt số điểm tốt nhất có thể, không để phải học lại hoặc học cải thiện.

Kết quả học tập tốt giúp bạn tiết kiệm không chỉ tiền bạc mà còn cả thời gian, mà thời gian thì quý báu như vàng vậy. Bạn có thể dùng thời gian mà người khác học lại, học cải thiện để vui chơi giải trí, kiếm thêm tiền… sẽ hữu ích hơn rất nhiều.

Tiết kiệm chi phí trong học tập

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với điều bên trên, nhưng thực tế bạn hoàn toàn có thể học tốt mà không cần quá nhiều chi phí. Ngày nay, có nhiều kiến thức hữu ích được dạy tại các khóa học chất lượng, nhưng giá của chúng thì không hề rẻ.

Những sinh viên chưa có điều kiện kinh tế không cần phải chờ đến khi có đủ tiền đăng ký một khóa học xịn thì mới bắt tay vào học một kiến thức gì đó, mà bạn hoàn toàn có thể tự học bằng những nguồn tài liệu miễn phí trên mạng. Chỉ cần kết nối internet, bạn đã có thể tìm được từ tài liệu, bí quyết học tập tại các hội nhóm đến nhiều khóa học miễn phí của các trường đại học danh tiếng, các tổ chức lớn. Hay như Google, Youtube cũng là những người thầy thông thái mà bạn có thể học hỏi được những bài học quý giá. Chỉ cần bạn muốn học, người thầy sẽ xuất hiện ở muôn nơi.

Bên cạnh đó, việc đi xin tài liệu học tập, sách cũ từ các anh chị khóa trên cũng sẽ giúp các sinh viên tiết kiệm được một số tiền, không quá nhiều nhưng đủ để bạn dùng trong các tình huống cần thiết hơn.

Tạo thu nhập bằng cách đi làm thêm

Nhiều sinh viên băn khoăn vì không biết có nên đi làm thêm hay không. Làm thêm có nhiều lợi ích, không chỉ giúp bạn có thêm thu nhập mà còn là một cơ hội để bạn tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, trau dồi kỹ năng và mở rộng vốn kiến thức cần thiết.

Có nhiều công việc làm thêm cho sinh viên như làm gia sư, thực tập có hỗ trợ lương, bán hàng online, các công việc làm online… có thể mang lại cho bạn từ 1 đến vài triệu đồng/tháng – một con số không hề nhỏ đối với sinh viên.

Tự nấu ăn tại nhà

Việc tự nấu ăn đối với những sinh viên sống tại ký túc xá gần như là không thể, nhưng với những bạn ở nhà trọ thì điều này sẽ rất hữu ích. Mỗi bữa ăn ngoài sẽ tiêu tốn khoảng từ 25 đến 50.000 đồng, thậm chí nhiều hơn. Một ly trà sữa có giá trung bình khoảng 25.000, nhiều hơn nếu đó là trà sữa có thương hiệu hoặc bạn muốn uống ở một quán coffee trang trí đẹp.

Bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm số tiền này bằng cách nấu ăn tại nhà, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm được kha khá, đặc biệt là khi góp tiền với bạn cùng trọ để nấu ăn thì chi phí sẽ càng giảm.

Với 7 tips cân đối chi tiêu bên trên, sinh viên sẽ hạn chế được tối đa tình trạng “cháy túi” và đi qua thời kỳ này một cách ít chật vật hơn. Dù vậy, cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt nếu không có những niềm vui, nên đôi khi bạn cũng có thể tự thưởng cho mình như mua một món đồ yêu thích để có thêm động lực học tập và làm việc thật tốt.

Facebook Comments