Trang bị cho con các kiến thức về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm từ nhỏ sẽ giúp con hình thành tư duy và phát triển khả năng quản lý tài chính trong tương lai. Việc để con quan tâm tới tiền bạc sẽ không đánh cắp mất sự hồn nhiên trong sáng trong tuổi thơ của con hoặc dạy hư con nếu cha mẹ lựa chọn phương pháp dạy đúng cách.
Dưới đây là 2 phương pháp và 1 nguyên tắc dạy trẻ tiết kiệm tiền, cha mẹ hãy theo dõi để thuận lợi hơn trong hành trình dạy con quản lý tài chính.
Phương pháp 1: Dạy trẻ hiểu rõ giá trị của đồng tiền
Theo cách dạy con truyền thống trước đây, nhiều cha mẹ thường né tránh chuyện tiền bạc vì cho rằng trẻ chưa có nhiều nhận thức về lĩnh vực này. Tuy nhiên, từ bài học dạy con hiểu về giá trị của tiền bạc từ năm 3 tuổi của người Do Thái, có thể thấy rằng: trẻ hoàn toàn có khả năng nắm bắt các kiến thức về tài chính từ nhỏ, chỉ cần cha mẹ tiếp cận đúng cách.
Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc dạy con cách nhận biết về các loại mệnh giá tiền từ thấp đến cao, giúp con hiểu rằng để kiếm được đồng tiền giá trị càng cao thì càng cần chăm chỉ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tạo nên những trò chơi giả định để con thực hành kỹ năng quản lý tài chính cơ bản nhất.
Khi trẻ hiểu được rằng tất cả những gì con đang có là nhờ công sức lao động của bố mẹ, con sẽ biết trân trọng đồng tiền, chi tiêu một cách khoa học và có trách nhiệm hơn với số tiền mà con có. Từ đó, con sẽ hình thành một thói quen tốt về quản lý tài chính.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con về bản chất và vai trò của đồng tiền là một công cụ để trao đổi giá trị trong xã hội. Tiền không phải là thước đo để đánh giá một con người. Khi hiểu được giá trị của đồng tiền, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận và nhiệt tình tham gia các bài học và thử thách từ cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ hình thành tư duy đúng về đồng tiền và cách tiết kiệm.
Khi con hiểu được giá trị đồng tiền, con sẽ biết cách chi tiêu một cách hợp lý và hiệu quả.
Phương pháp 2: Dạy trẻ cách tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất
Trước tiên, cha mẹ hãy dạy trẻ cách tiết kiệm năng lượng hàng ngày. Các con cần làm quen với những hành động nhỏ như: tắt vòi nước, tắt đèn khi không sử dụng, chỉ bật điều hòa khi thật sự cần thiết, tận dụng ánh sáng mặt trời và gió tự nhiên thay vì bật đèn hay dùng quạt… Điều này vừa giúp con trân quý các nguồn lực tự nhiên, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho con.
Một cách đơn giản khác để cha mẹ dạy con về cách tự gia tăng thu nhập và tiết kiệm tiền đó là: thu gom giấy vụn và chai nhựa đã qua sử dụng. Việc này vừa con có thể kiếm được tiền, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Số tiền mà con kiếm được, cha mẹ có thể để con bỏ tiền vào lợn hoặc giúp con gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy con dành một phần tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ người khác. Việc này vừa giúp trẻ biết cách quản lý tài chính, vừa có thể xây dựng cho trẻ tấm lòng nhân ái và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Tiết kiệm từ những việc nhỏ thường ngày sẽ giúp con hình thành thói quen tốt cho tương lai.
Nguyên tắc: Không dùng đến quỹ tiết kiệm của con
Cha mẹ là tấm gương gần gũi nhất để con noi theo trong việc thực hành tiết kiệm. Vì vậy, nguyên tắc quan trọng trong việc dạy trẻ đó là không tự ý sử dụng đến quỹ tiết kiệm của con. Việc này sẽ cho con thấy rằng, nhờ việc thực hành tiết kiệm tốt, cha mẹ đang không gặp vấn đề về tài chính. Đồng thời, con có thể hiểu được tiền tiết kiệm là dành riêng cho mục tiêu tương lai và không nên sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài ra, việc duy trì quỹ tiết kiệm cũng giúp con phát triển thêm khả năng quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch tiết kiệm và thực hiện mục tiêu tài chính của mình. Đây là những kỹ năng quan trọng mà con sẽ mang theo suốt đời.
Để mở sổ tiết kiệm cho con, cha mẹ có thể tham khảo các gói gửi tiết kiệm của các ngân hàng.
Hy vọng, 2 phương pháp và 1 nguyên tắc nêu trên sẽ giúp cha mẹ tìm ra những cách dạy trẻ tiết kiệm hiệu quả. Trang bị cho con những kiến thức về tài chính từ sớm là cách để dạy con hiểu đúng và hình thành tư duy đúng đắn về nhiều giá trị trong cuộc sống, từ đó, con có thể tự lập tốt ngay cả khi sống xa gia đình.