3 loại tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp

Lựa chọn tài khoản ngân hàng phù hợp là một trong những bước quan trọng góp phần tạo sự ổn định và hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mỗi loại tài khoản đều có lợi ích phù hợp với các hoạt động thanh toán hay đầu tư. Cùng tìm hiểu chi tiết các loại tài khoản dành cho doanh nghiệp phổ biến đang được cung cấp hiện nay.

1. Tài khoản thanh toán

Tài khoản thanh toán là loại tài khoản cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng và lưu trữ tiền gửi. Đây là loại tài khoản phổ biến nhất trong doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thanh toán như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiền lương cho nhân viên,… 

Bên cạnh đó, tài khoản thanh toán cũng giúp doanh nghiệp quản lý tài chính dễ dàng hơn với các công cụ quản lý trực tiếp thông qua sổ phụ hoặc E-Banking.

Khi sử dụng tài khoản thanh toán tại một số ngân hàng, doanh nghiệp sẽ được hưởng một số lợi ích bao gồm:

  • Cung cấp sổ phụ với giao diện thân thiện: Tài khoản thanh toán thường đi kèm với sổ phụ có giao diện thân thiện giúp khách hàng dễ dàng sử dụng và đối soát các giao dịch của mình. Sổ phụ cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra số dư, lịch sử giao dịch và thông tin liên quan đến tài khoản của doanh nghiệp.
  • Đa dạng các tiện ích trong giao dịch: Người dùng có thể tiếp cận kênh ngân hàng điện tử và kênh tại quầy để thực hiện các giao dịch. Điều này đem đến sự thuận tiện và linh hoạt cho việc quản lý tài chính doanh nghiệp.
  • Lãi suất hấp dẫn: Người dùng được hưởng lãi suất không kỳ hạn trên số dư tiền gửi, tạo cơ hội sinh lời đối với khoản tiền nhàn rỗi.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi: Được ngân hàng đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho số dư tài khoản. Điều này đảm bảo rằng số tiền khách hàng gửi vào tài khoản được bảo vệ và an toàn trong trường hợp ngân hàng gặp vấn đề tài chính.

Hiện nay, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chính sách hơn cho khách hàng khi lập tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp như: hưởng các ưu đãi điểm thưởng, giảm giá trong việc mua sắm, hoặc các dịch vụ độc quyền khác; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp; cung cấp các gói dịch vụ quản lý tài chính, tư vấn kế toán, hỗ trợ về thuế,… Những chính sách này đều ảnh hưởng tích cực đến quá trình đầu tư và phát triển của doanh nghiệp. 

Tài khoản thanh toán giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch và lưu trữ tiền gửi

2. Tài khoản vốn

Tài khoản vốn là loại tài khoản thanh toán chuyên dụng, được sử dụng chủ yếu cho các giao dịch vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, vay nước ngoài của doanh nghiệp, Đồng thời, được sử dụng để quản lý và theo dõi vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp. 

Đây là nơi ghi nhận vốn ban đầu và các giao dịch tài chính liên quan đến vốn sở hữu doanh nghiệp. Khách hàng có thể theo dõi sự tăng trưởng/sụt giảm của vốn theo thời gian và những thay đổi quan trọng khác trong cơ cấu sở hữu thông qua loại tài khoản này.

Khi sử dụng tài khoản vốn tại một số ngân hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng các tính năng nổi bật như:

  • Đầu tư trực tiếp bằng VNĐ và ngoại tệ: Tài khoản vốn cho phép khách hàng mở 01 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng VNĐ và 01 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại cùng một ngân hàng. Điều này tạo ra sự linh hoạt cho người dùng để thực hiện các giao dịch đầu tư một cách hiệu quả ở cả hai đơn vị tiền tệ.
  • Giao dịch vay nước ngoài: Tài khoản vốn cung cấp khả năng thực hiện giao dịch vay nước ngoài bằng ngoại tệ. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc doanh nghiệp huy động vốn từ các nguồn tài chính quốc tế hoặc tham gia vào các dự án quốc tế.
  • Hỗ trợ đầu tư trực tiếp của FDI: Trong trường hợp FDI có những khoản vay trung và dài hạn, tài khoản vốn cũng được sử dụng để thực hiện các giao dịch vay nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp.

Với mục đích giúp doanh nghiệp sử dụng tài khoản vốn hiệu quả, hiện nay nhiều ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ mở tài khoản trọn gói từ khi mở tài khoản vốn đến khi kết thúc đầu tư với sự tư vấn tận tình, tận tâm từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, am hiểu thị trường.

Tài khoản vốn cho phép doanh nghiệp tiếp cận với việc đầu tư và vay quốc tế dễ dàng

3. Tài khoản giữ hộ thương mại

Tài khoản giữ hộ thương mại là tài khoản ký quỹ của bên ký quỹ đặt tại đại lý giữ hộ (Là ngân hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ) – được sử dụng để chuyển trả cho 1 bên khác sau khi hoàn thành các điều kiện đã được thống nhất. Thỏa thuận giữ hộ được ký bởi các bên tham gia giao dịch và Đại lý giữ hộ. 

Tuy nhiên hiện nay, tài khoản giữ hộ thương mại của doanh nghiệp không quá phổ biến và các chính sách sản phẩm, dịch vụ sẽ phụ thuộc vào ngân hàng cung cấp. Do vậy, khi sử dụng tài khoản giữ hộ thương mại, khách hàng sẽ có cơ hội được trải nghiệm các lợi ích sau:

  • Lãi suất tùy chọn: Tài khoản này cho phép doanh nghiệp lựa chọn lãi suất 0% hoặc lựa chọn gửi tiền không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn, tạo sự linh hoạt cho hoạt động quản lý vốn.
  • Kiểm soát các mục đích thanh toán: Khi mở tài khoản giữ hộ, doanh nghiệp sẽ được ngân hàng cung cấp một danh sách các mục đích thanh toán được phép sử dụng tài khoản này. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt được nguồn vốn và hạn chế các rủi ro tài chính.
  • Truy vấn tài khoản trên Ngân hàng điện tử: Doanh nghiệp có thể xem số dư, lịch sử giao dịch, chi tiết các mục đích thanh toán, và yêu cầu rút tiền từ tài khoản giữ hộ một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Sau khi ký kết bởi các bên tham gia giao dịch và Đại lý giữ hộ, tài khoản giữ hộ thương mại sẽ được mở

Như vậy, bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về 3 loại tài khoản ngân hàng dành cho doanh nghiệp. Việc tận dụng hiệu quả các loại tài khoản này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nền tảng tài chính mạnh mẽ, tạo sự tiện lợi và linh hoạt trong thanh toán và đầu tư.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, doanh nghiệp có thể nhận tư vấn từ ngân hàng uy tín Techcombank theo hotline 1800 6556 và website https://techcombank.com/.

Facebook Comments